Hồng Đà Lạt – trái cây mùa thu đặc trưng xứ sương mù
Hồng Đà Lạt nổi tiếng thơm ngọt và rất đa dạng như: hồng dòn, hồng trứng, hồng khô…
Cây Hồng Đà Lạt thuộc loại cây ăn trái ôn đới á Đông hay cận nhiệt đới, những vùng cao nguyên có khí hậu mát mẻ quanh năm thích hợp cho cây hồng.
Hồng có xuất xứ từ Nhật Bản và được coi là một loại đặc sản của xứ sở Phù Tang. Hồng được ghi nhận có mặt trên đĩa trái cây ngày Tết tại Trung Quốc và Nhật từ hơn 1000 năm qua, xuất hiện tại châu Âu từ đầu thế kỷ thứ 19. Cây hồng có thể cao hơn 15 m và sống từ 100-150 năm và đếm được hơn 800 loại. Có nhiều người không ưa vị chát đặc trưng của hồng cho đến khi người châu Á tuyển chọn, lai tạo và xuất khẩu được loại hồng hoàn toàn mới có vị ngọt và thơm ngon. Hiện nay hồng được ươm trồng trên khắp Thế giới và có thể lên đến hơn 2000 loại.
Trong văn chương Trung Quốc có nói đến cây hồng từ những năm 300 – 450 trước công nguyên, và cây hồng đã phát triển sang Nhật Bản, Triều Tiên, châu Á… Cũng có tư liệu trồng cây hồng của người Nhật viết rằng hồng là tài nguyên đặc biệt của Nhật Bản.Hồng tên khoa học là Diospyros kaki L., họ Thị (Ebénaceae), cây cao từ 3 đến 7-8 mét, cây rụng lá hàng năm và ra lộc vào tháng 2-3. Trái chín vào tháng 8-12; trái có màu vàng, đỏ rực rỡ trông rất đẹp mắt.
Đà Lạt – Lâm Đồng là nơi thích hợp cho cây hồng sinh trưởng vì có khí hậu mát mẻ. Đà Lạt có khoảng 2 tháng rưỡi lạnh (từ giữa tháng 12 đến cuối tháng 2) là thời gian cây hồng cần để tụ và đậu trái, tuy nhiên cũng có nhiều giống hồng cần ít lạnh hơn.Đất ở Đà Lạt có nhiều vùng khác nhau từ địa hình, loại đất… nhưng đa số đều trồng được cây hồng. Chỉ cần biết lựa giống hồng cho thích hợp với đất. Đà Lạt có nhiều khe suối, ao nhỏ để cung cấp nước cho những vườn hồng nếu cần; chế độ mưa gần như liên tục trong mùa hồng ra trái đảm bảo cho cây hồng sinh trưởng tốt.Người dân Đà Lạt thích trồng cây ăn trái như cây hồng vì nó mang lại nguồn lợi cho gia đình, góp phần giữ gìn môi trường trong lành.
Nguồn gốc và sự phát triển cây hồng ở Đà Lạt
Cây hồng du nhập đến Đà Lạt vào nhiều thời kỳ, nhiều cách… Vào khoảng năm 1889, khi người Pháp lập thử vườn trồng tỉa tại Dankia. Vào năm 1933, khi Đà Lạt có đường xe lửa, xe ô tô, người Pháp và Việt đưa cây hồng đến trồng rải rác ở các nhà vườn… Từ năm 1956 – 1975, cây hồng được đưa giống từ Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Hạ Uy Di vào trồng thực nghiệm ở vườn hoa, đèo Prenn… Từ đó đến năm 1991, cây hồng đã phát triển, gần 80 – 90% gia đình vườn nào cũng có trồng hồng từ 1 vài cây đến hàng trăm cây.