TRẺ SUÝT MẤT MẠNG VÌ UỐNG NHẦM DẦU HỎA

in #health7 years ago

Sáng ngày 17/5, Phòng Khám đa khoa 115 Phú Hậu tiếp nhận một case đặc biệt. Bệnh nhi Ngô Khánh H 17 tháng tuổi, xã Diễn Tháp, Diễn Châu bị ngộ độc dầu hỏa. Gia đình cho biết, sáng hôm đó, bé chơi trong nhà thì thấy chai nước màu vàng đặt gần bàn thờ, tưởng là nước ngọt nên bé tự mở nắp uống. Sau khi uống, bé sặc sụa khó thở, ly bì, da mặt tím tái. Lúc này, gia đình mới phát hiện nên đưa đến cấp cứu tại Phòng Khám.
Tại Phòng Khám, kíp trực tích cực xử lý cho bệnh nhân thở oxy, đặt sonde dạ giày để hút dịch và làm các xét nghiệm máu cần thiết. Sau 30 phút, bệnh nhân dần tỉnh táo và bắt đầu quấy khóc. Hiện bệnh nhân đã ổn định và đã được xuất viện.

DSC_0719.JPG
Theo bác sĩ Trần Ngọc Lưu – Chuyên khoa II Nhi, phụ huynh không nên đựng dầu hỏa, rượu hoặc các loại hóa chất trong chai, lọ như chai lavie, trà xanh, C2 và cần để cao, xa tầm tay của trẻ nhỏ.
Khi trẻ bị ngộ độc dầu hỏa, gia đình cần bình tĩnh đưa trẻ đến cơ sở y tế. Tuyệt đối không được tự ý gây nôn cho bé vì nếu bị nôn, hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản làm trẻ bị viêm phổi. Đồng thời, hơi của dầu hỏa này xâm nhập đường hô hấp gây tổn thương phế nang. Cộng thêm tình trạng sặc dầu hỏa vào phổi thì tổn thương ở phổi càng nặng nề hơn.
Nên dùng nước muối loãng súc miệng hoặc lau rửa miệng cho trẻ bị ngộ độc dầu hỏa. Khi trẻ bị ngộ độc hóa chất đựng trong chai, lọ phụ huynh cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế. Khi đi nhớ mang theo chai, lọ có dung dịch mà trẻ uống nhầm để các bác sĩ có hướng xử lý kịp thời và chính xác.